Thanh Hóa: Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”

Ngày 04/01/2021
Những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kéo giảm. Một trong những nguyên nhân đóng góp vào sự thành công trên không thể không nhắc đến hiệu quả từ cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” mang lại.

Lực lượng cảnh sát giao thông tuyên truyền cho các chủ
phương tiện thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đường thủy

Thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020 của Ban ATGT quốc gia, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa. Theo đó, đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh ban hành 60 kế hoạch, 40 điện và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác đảm bảo TTATGT đường thủy. Trong đó ban hành 15 kế hoạch chuyên đề tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có đường thủy trong tỉnh về tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động, xây dựng các mô hình “văn hóa giao thông đường thủy”. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT, trật tự xã hội trên và ven tuyến đường thủy. Đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, chuẩn bị phương án phòng chống lụt, bão của công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan.

Bên cạnh đó, tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, ban ATGT cơ sở kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung cuộc vận động. Đã kẻ vẽ nhiều pa-nô, áp-phích, biển bảng, khẩu hiệu tại những nơi công cộng, tập trung đông người, tại các bến khách ngang sông, trên các phương tiện thủy, với nội dung, thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện; tổ chức in ấn cấp phát 15.000 tờ rơi tuyên truyền về TTATGT, phối hợp với Văn phòng Ban ATGT tỉnh tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành trên 5.000 tờ rơi, tài liệu, văn bản, thông báo phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về TTATGT đường thủy.

Tuyên truyền trực tiếp cho trên 6.711 lượt chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông và các chủ doanh nghiệp, chủ bến, bãi trên các tuyến đường thủy; tuyên truyền, vận động 86 doanh nghiệp chấp hành pháp luật ATGT đường thủy. Phối hợp tổ chức thành công 5 hội nghị tuyên truyền tập trung tại các địa phương: TP Sầm Sơn, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Mường Lát, TP Thanh Hóa với hàng trăm hộ dân, chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện và người dân làm nghề trên đường thủy tham dự. Tổ chức quyên góp, vận động hỗ trợ và cấp phát miễn phí 1.300 áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, nhằm giúp Nhân dân phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế không để xảy ra tai nạn người trên đường thủy. Cùng với đó, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý trên 1.500 trường hợp vi phạm hành chính về TTATGT trên đường thủy, nộp kho bạc Nhà nước 5 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu cho Ban ATGT tỉnh hướng dẫn ban ATGT các địa phương, công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 20 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”. Trong đó có 7 mô hình đăng ký với Ủy ban ATGT quốc gia, 12 mô hình đăng ký với Ban ATGT tỉnh và 1 mô hình đăng ký xây dựng với ban ATGT huyện. Đến nay hầu hết các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đã và đang phát huy tác dụng tích cực, điển hình như: Mô hình “Khu dân cư, xóm thôn văn hóa, an toàn” của lực lượng cảnh sát giao thông các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung; mô hình “Bến khách ngang sông văn hóa, an toàn” của các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quan Hóa; mô hình “Cơ quan, doanh nghiệp văn hóa, an toàn”...

Đặc biệt, mô hình “Làng chài Giang Thanh văn hóa, an toàn” đã nhận được sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Qua 8 năm triển khai xây dựng mô hình, làng chài Giang Thanh (xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) đã thực sự chuyển mình, “thay da, đổi thịt”, cuộc sống của người dân nơi đây đã và đang được cải thiện đáng kể. Ý thức, hiểu biết pháp luật về giao thông đường thủy của người dân, chủ phương tiện tại thôn Giang Thanh được nâng lên rõ rệt, qua đó đã làm giảm nhiều vi phạm.

Có thể khẳng định, việc thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông và phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường thủy xảy ra.

Nguồn: Báo Thanh Hóa